Chiều ngày 22/4/2022, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Lâm Đông – Trưởng Ban làm Trưởng đoàn, tổ chức giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế giai đoạn 2019-2021 tại Sở Y tế.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay mạng lưới kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh gồm 395 cơ sở, trong đó: 07 công ty (có 02 công ty chuyên bán buôn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và dược liệu), 87 nhà thuốc, 297 quầy thuốc, 04 cơ sở chuyên bán lẻ thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và vị thuốc dược liệu). Bình quân số km2/điểm bán lẻ 8.502 km2/điểm bán lẻ và bình quân số dân/điểm bán lẻ 1.417 dân/điểm bán lẻ. Việc cung ứng thuốc tại các cơ sở hành nghề dược đáp ứng nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh trong địa phương và đảm bảo đủ thuốc thiết yếu theo danh mục thuốc của Bộ Y tế.
Thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam tại 2 thôn An Nhơn, Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải; đề xuất đầu tư hạng mục “đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc tiểu dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”; đặt hàng nghiên cứu đề tài khoa học “Khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; phối hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành triển khai và chuẩn bị nghiệm thu đề tài “cao khai” và phối hợp Vườn Quốc gia Núi Chúa nghiên cứu bảo tồn phát triển một số dược liệu quý tại nơi này trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp Nutri food.
Toàn cảnh buổi làm việc
Những năm qua, công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế và các địa phương chú trọng, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về hoạt động dược và vật tư y tế dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề dược tư nhân theo đúng quy định về tình hình quản lý giá thuốc (niêm yết, công khai giá bán buôn, bán lẻ); chất lượng thuốc lưu hành; đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế (việc thực hiện các nguyên tắc trong đấu thầu, tiêu chí yêu cầu các mặt hàng thuốc dự thầu, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu); quản lý kinh doanh dược (việc thực hiện các văn bản pháp quy chuyên môn về dược, giá thuốc, chất lượng, hiệu quả sử dụng thuốc; triển khai Nguyên tắc thực hành tốt bảo quản thuốc; tổ chức cấp giấy phép hành nghề dược theo quy trình cơ chế một cửa; quản lý thông tin quảng cáo thuốc và mỹ phẩm; thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn; quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần).
Kết quả, trong giai đoạn 2019- 2021 đã tiến hành thanh tra 227 cơ sở hành nghề dược và kinh doanh thực phẩm chức năng, trong đó có 182 cơ sở đạt, chiếm 80,2%, 45 cơ sở không đạt chiếm 19,8%, xử lý phạt tiền 39.900.000 đồng; không phát hiện thuốc bị thu hồi, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu hành trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức đấu thầu tập trung 5 lần/22 gói thầu thuốc, vắc xin và tổng số mặt hàng vật tư y tế trúng thầu là 4.823; 100% quầy thuốc, nhà thuốc đạt chuẩn GPP, 100% cơ sở đạt GDP; 100% cơ sở khám chữa bệnh được công bố kho thuốc, vắc xin đạt GSP nhằm đảm bảo chất lượng thuốc sử dụng cho người bệnh; 100% các nhà thuốc áp dụng phần mềm, liên thông kết nối trong toàn quốc đạt lộ trình Bộ Y tế quy định; chỉ tiêu Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu, cụ thể: Tỷ lệ (%) sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố tính theo giá trị tiền thuốc bình quân trong toàn tỉnh đạt 71,6%, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước so với tổng số thuốc trong danh mục đối với các Bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố đạt 59,49%. Nguồn nhân lực Dược sỹ đại học toàn tỉnh đạt 1,5 Ds/vạn dân, tại các cơ sở y tế công lập có 223 người (gồm Dược sỹ sau đại học: 05; Dược sỹ đại học: 66; Dược sỹ Cao đẳng 107; Dược sỹ Trung học 45).
Có thể nói trong thời gian gần đây, hệ thống hành nghề dược và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hành nghề dược và vật tư y tế còn một số khó khăn, hạn chế như thể chế về đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế chưa hoàn chỉnh, nhiều văn bản pháp luật chưa qui định cụ thể, dẫn đến việc mua sắm khó khăn; nguồn nhân lực dược lâm sàng còn thiếu, chất lượng hoạt động dược lâm sàng chưa đóng góp nhiều trong chất lượng điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh; chất lượng các chuẩn GPs (gồm GDP, GPP, GSP) đang triển khai tại các cơ sở tuy đạt yêu cầu, nhưng chất lượng còn thấp, theo đó thành lập, hoạt động của mạng lưới thuốc thiếu bền vững; thu hút đầu tư sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, nuôi trồng dược liệu khó khăn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lâm Đông đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động quản lý về dược và vật tư y tế của ngành thời gian qua, chia sẽ những khó khăn, vướng mắc; ghi nhận kiến nghị của ngành y tế về quan tâm bố trí đầu tư công cho dự án nâng cao năng lực phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thực phẩm và Trang thiết bị y tế đạt chuẩn ISO/IEC 17025 và GLP, tháp gở khó khăn, vướng trong việc đấu thầu vật tư y tế. Đồng thời, kiến nghị thực hiện một số nhiệm vụ về tăng cường công tác đào tạo Dược lâm sàng; phối hợp các ngành, địa phương lập quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, phát triển dược liệu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế; đầu tư xây dựng Kế hoạch Nâng cao năng lực phòng thí nghiệm theo TCVN ISO/IEC 17025, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đảm bảo chất lượng thuốc, thực phẩm lưu hành trong địa phương, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạnh nhân dân khi sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm đạt chất lượng trong thời gian đến./.