Giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái
Sáng ngày 16/8/2024, Đoàn giám sát chuyên đề Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Lâm Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn, tổ chức giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn huyện Bác Ái.
Page Content
Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệu quả từ các ban, ngành, đoàn thể. Công tác thông tin, truyền thông được triển khai đầy đủ; quy trình xét duyệt, thẩm định, công nhận hồ sơ đảm bảo theo quy định; công tác chi trả thực hiện chế độ chính sách đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả và thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống; đối tượng thụ hưởng chính sách được tiếp cận thuận lợi, hiệu quả, phát huy tác dụng của chính sách, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, huyện Bác Ái đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 4.800 đối tượng/29,2 tỷ đồng; chi trả hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng 467 đối tượng/1,8 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 82 đối tượng/532,8 triệu đồng. Thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ lương thực cho 61.448 người/921.780 tấn gạo; hỗ trợ người bị thương nặng, mai táng phí, sửa chữa nhà ở cho 51 người/530.300 triệu đồng.
Đ/c Lâm Đông - UBBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện còn những khó khăn, vướng mắc như: công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan đến chính sách bảo trợ xã hội chưa được thường xuyên, sâu rộng; việc quản lý đối tượng chưa đảm bảo chặt chẽ; thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật chưa chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lâm Đông thống nhất những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế; đồng thời đề nghị thời gian tới huyện cần tập trung thực hiện một số nội dung về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về trợ giúp xã hội bằng nhiều hình thức đa đang, phong phú; thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ xác định mức độ khuyết tật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn; vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của chính phủ không dùng tiền mặt trong thanh toán./.
Yến Chi