Sáng 14/10, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm và dự Lễ cúng Katê với đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại đền Pô-Inư-Nưgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước). Cùng đi có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Theo tục lệ, cứ đến ngày mùng 1 tháng 7 Chăm lịch hàng năm, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn lại háo hức đón mừng Lễ hội Katê. Tùy theo địa bàn mà nhân dân địa phương thờ phụng và cúng bái, ở cụm xã Phước Hậu, Phước Thái thì hành Lễ tại Tháp Pô-KlongGrai, thôn Hậu Sanh thi hành Lễ ở Tháp Pô-rô-mê, thôn Hữu Đức được vinh dự thờ cúng Pô-Inư-Nưgar. Theo truyền thuyết lưu lại Pô-Inư-Nưgar là Bà mẹ xứ sở đầu tiên của dân tộc Chăm.
Phát biểu chúc mừng bà con đồng bào Chăm có mặt tại đền Pô-Inư-Nưgar, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ vui mừng được cùng tham dự Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn trong tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm. Đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, từng bước ổn định đời sống; công tác chăm lo y tế, giáo dục được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong đó có đồng bào dân tộc Chăm được cải thiện. Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm được được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Những di tích đền, tháp là di sản quý báu, vô giá của dân tộc Chăm được nhà nước vinh danh, được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy; nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì và phát triển.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm và dự
Lễ cúng Katê với đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại đền Pô-Inư-Nưgar.
Đặc biệt mới đây, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các vị chức sắc và đồng bào Chăm trong tỉnh, đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã có những đóng góp tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm, tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng văn minh, hiện đại. Qua đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể để đồng hành, bảo tồn di sản văn hóa Chăm, bảo tồn và phát triển Lễ hội Katê trong thời gian tới; tổ chức các hoạt động Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận xứng tầm với quy mô và giá trị của một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau phần nghi thức cúng tại các đền Pô-Inư-Nưgar, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Hữu Đức chính thức khai hội Katê. Lễ hội Katê với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát triển trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Ngày nay, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” là một phần của di sản văn hóa quốc gia Việt Nam. Đó là sự đóng góp to lớn của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tạo thêm sắc màu sinh động trong tổng thể văn hóa Việt Nam.