Sáng ngày 15/10/2024, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về “việc đề xuất danh mục dự án thu hồi đất và kết quả thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án phải thu hồi đất, danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh” do ông Trần Minh Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn tổ chức khảo sát, giám sát đối với UBND huyện Ninh Phước.
Tham gia Đoàn có Thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường. Về phía huyện Ninh Phước có Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện các Phòng, Ban, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trước buổi làm việc, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa một số dự án trên địa bàn huyện Ninh Phước thuộc danh mục dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Ông Trần Minh Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Phước về kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn huyện như sau: (1) Về thu hồi đất đã và đang thực hiện thu hồi 39 dự án/254,30 ha (dự án thực hiện xong là 39 dự án/ 254,30 ha) đạt 50% về dự án và 33,84% về diện tích đã đăng ký tại các nghị quyết; số dự án chưa thực hiện 39 dự án/ 497,19 ha. Nếu loại bỏ 10 dự án kêu gọi đầu tư/ 74,70 ha thì tỷ lệ thực hiện dự án đạt 57,35% về dự án và 37,57% về diện tích và dự án chưa thực hiện là 29 dự án/422,49 ha; (2) Về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đã thực hiện chuyển mục đích 23 dự án/ 36,59 ha đạt 50 % về dự án và 41,16 % về diện tích, chưa thực hiện chuyển mục đích 23 dự án/ 52,31 ha. Kết quả thực hiện các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích đất lúa trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương song vẫn còn thấp so với số dự án, diện tích đăng ký thực hiện tại các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là về diện tích thực hiện. Nguyên nhân đạt tỷ lệ thấp do một số dự án do còn khó khăn về nguồn vốn thực hiện; hệ thống văn bản QPPL liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chưa đồng bộ, chưa kịp thời ban hành thay đổi để phù hợp tình hình thực tế; quản lý hồ sơ đất đai ở địa phương thời gian dài không chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc đất, quy chủ.
Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao trong việc chuẩn bị tài liệu, nội dung phục vụ làm việc kịp thời, nghiêm túc, đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra, đề nghị thời gian tới : (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai trên địa bàn để người dân nắm, chủ động thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình liên quan đến đất đai. Trong đó, quan tâm hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đăng ký biến động về đất đối với các diện tích đã thu hồi theo quy định; (2) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, đặc biệt là cấp cơ sở đối với quản lý đất chưa sử dụng, đất công ích đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; chỉ đạo hoàn thành công tác đo đạc bản đồ, cơ sở dữ liệu đất đai để làm cơ sở quản lý chặt chẽ, minh bạch về đất đai tại cơ sở, nhất là tính chính xác giữa hồ sơ quản lý với thực tế; (3) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, đặc biệt là cấp xã, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý đất đai tại các cấp cơ sở hiện nay; (4) Tiến hành rà soát, tổng hợp báo cáo, trình cấp có thẩm quyền loại bỏ ra khỏi danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với các dự án, công trình đã quá 03 năm nhưng chưa có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Kiến nghị xem xét xử lý theo quy định pháp luật về đất đai, đảm bảo quyền lợi và quyền sử dụng đất của người dân; (5) Chỉ đạo chặt chẽ việc lập phương án, kế hoạch thu hồi đất đảm bảo đúng pháp luật và khả thi; rà soát các phương án về giá bồi thường, hỗ trợ, đất tái định cư, công khai, minh bạch, tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến trước khi quyết định thu hồi thực hiện dự án đảm bảo theo quy định pháp luật; có hình thức thích hợp đánh giá tác động, hiệu quả của các dự án khi thu hồi đất để thực hiện, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân vùng dự án; tăng cường trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thu hồi đất và triển khai dự án; (6) Thường xuyên, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, để có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, dự án ngừng hoạt động, sử dụng đất sai mục đích theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo quỹ đất để kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực thực hiện dự án, tránh việc sử dụng đất lãng phí; (7) Tăng cường công tác phối hợp giữa địa phương và chủ đầu tư, trong đó gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện các dự án, nhất là các dự án có vốn ngoài ngân sách nhà nước./.