Đoàn giám sát số 1, HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lê Lợi

Sáng ngày 23/3/2023, Đoàn giám sát số 1, HĐND tỉnh do đồng chí Trần Đỗ Oanh – Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội làm Trưởng đoàn, tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lê Lợi.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lê Lợi thuộc địa bàn huyện Bác Ái; tỷ lệ học sinh dân tộc chiếm 98%, học sinh bán trú chiếm 90%. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường là 23 người, đều đạt chuẩn 100%; toàn trường có 209 học sinh/8 lớp. Thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, thời gian qua nhà trường đạt một số kết quả như: đã tổ chức triển khai quán triệt kịp thời các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh đến toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên; các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh được chi trả kịp thời và đúng quy định; công tác tuyển sinh đạt chỉ tiêu giao; cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo phục vụ cho việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả dạy học có chuyển biến tích cực, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%; công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy, học, kiểm tra và đánh giá đang từng bước ứng dụng. Trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức 2, chuẩn quốc gia cấp độ 1 vào tháng 10/2020.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ còn một số khó khăn, hạn chế như: số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu so với nhu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chưa có phòng học tập bộ môn, sân chơi thể dụ thể thao, nhà ăn, nhà ở cho học sinh bán trú; vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học.  

  Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Đỗ Oanh đánh giá cao những kết quả đạt được, chia sẽ những khó khăn của trường trong thời gian qua; đồng thời đề nghị  thời gian đến trường cần quan tâm thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt việc phối hợp giữa chính quyền, nhà trường, gia đình, các tổ chức đoàn thể thực hiện các giải pháp hạn chế có hiệu quả tình trạng bỏ học của học sinh; thường xuyên rà soát, đánh giá năng lực, trình độ đội ngũ quản lý và GV để xác định nhu cầu, mục tiêu, nội dung, phương thức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; kịp thời tổng hợp, phản ánh những bất cập, hạn chế trong công tác dạy và học, xin ý kiến hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn từ Phòng, Sở Giáo dục và đào tạo. ./.                                                                                  

    Yến Chi