Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức họp thông qua báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021
Chiều ngày 03/6/2022, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Trần Đỗ Oanh - Phó Trưởng Ban chủ trì, tổ chức họp Đoàn Giám sát nhằm thảo luận, góp ý, thông qua báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021.
Tham dự có lãnh đạo và các Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong giai đoạn 2019-2021, mạng lưới kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến thời điểm tháng 4/2022 có 395 cơ sở (7 công ty, 87 nhà thuốc, 297 quầy thuốc, 04 cơ sở chuyên bán lẻ thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu). Đội ngũ nhân lực Dược cũng ngày càng được tăng cường, Dược sỹ do Sở quản lý đang công tác tại các cơ sở y tế công lập có 223 người, Dược sỹ của mạng lưới kinh doanh thuốc có 403 người. Công tác quản lý dược và vật tư y tế được xây dựng lồng ghép trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh, định kỳ hàng năm thực hiện tổng kết, đánh giá các kết quả đã đạt được so với chỉ tiêu đề ra, xây dựng phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo. Hoạt động về dược và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh được quản lý, thực hiện theo khuôn khổ quy định của pháp luật, những thay đổi trong hệ thống cung ứng thuốc đã tạo điều kiện cho thầy thuốc và người bệnh được tiếp cận nhanh chóng, sử dụng những loại thuốc tốt, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân.
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động dược và vật tư y tế còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu tập trung; việc cung ứng thuốc có lúc chưa kịp thời; thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư, trang thiết bị y tế còn hạn chế; nguồn nhân lực dược sỹ lâm sàng, quản lý dược còn mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn giám sát đã đề xuất, kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1955/KH-UBND ngày 25/5/2017 của UBND tỉnh về thực hiện “Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến đến năm 2030”; Rà soát, nghiên cứu xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung tại các địa phương có điều kiện thuận lợi, gắn với bảo tồn các loài dược liệu quý hiếm, có thế mạnh của địa phương. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu và hình thành các cơ sở thu mua, sơ chế và bảo quản dược liệu tại các địa bàn phát triển vùng trồng dược liệu tập trung. Xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến dược liệu; Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dược lâm sàng, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh an toàn, hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tham mưu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Phòng Y tế….
Yến Chi