Ban Văn hóa – Xã hội giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế

Sáng ngày 15/4/2022, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Trần Đỗ Oanh – Phó Trưởng Ban làm Trưởng đoàn, tổ chức giám sát công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế Trạm y tế trên địa bàn huyện Ninh Sơn giai đoạn 2019-2021.

Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn, trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế của Đảng và nhà nước, trên địa bàn huyện đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ dược và vật tư y tế. Hoạt động hành nghề dược tư nhân đã và đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; đa dạng các loại hình hoạt động, phủ đều khắp các xã, thị trấn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 49 cơ sở kinh doanh thuốc. Định kỳ hàng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản, kế hoạch về quản lý hà nước trong lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo quy định.  

 

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện nay trung tâm Y tế huyện có 03 dược sĩ đại học, 23 dược sĩ đảm bảo về nguồn nhân lực, đội ngũ nhân lực dược được trẻ hóa. Triển khai Kế hoạch số 1955/KH-UBND ngày 25/5/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển  ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Ninh Thuận, một số người dân và doanh nghiệp đã tham gia trồng một số cây dược liệu như Đinh Lăng, Xáo tam phân, tảo… với diện tích 21.127m2 đất tại xã Mỹ Sơn để mở trang trại trồng cây dược liệu.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, đã tiến hành kiểm tra 09 đợt (07 đợt định kỳ, 02 đợt đột xuất) với 97 lượt cơ sở dược; kết quả có 81 cơ sở chấp hành tốt các quy định hành nghề dược, 06 cơ sở vi phạm, xử phạt với tổng số tiền 8.100.000 đồng. Công tác quản lý hoạt động về dược và vật tư y tế trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời; giá thuốc luôn bình ổn, chất lượng thuốc đảm bảo, hiệu quả sử dụng thuốc được người dân tin tưởng, không có  hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi. Các Quầy thuốc đều thực hiện các quy định chuyên môn và nguyên tắc “Thực hành nhà thuốc tốt – GPP”, “Thực hành bảo quản thuốc – GSP”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trong quản lý hoạt động dược còn nhiều bất cập, hạn chế; hoạt động hành nghề dược tư nhân vượt quá phạm vi chuyên môn; bán thuốc kê đơn mà không có đơn của bác sỹ; biển hiệu ghi chưa đúng quy định, không thực hiện việc mở sổ theo dõi bán thuốc theo quy định; nhân lực quản lý nhà nước về y tế thiếu và không có chuyên môn về dược.

  Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Đỗ Oanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động quản lý về dược và vật tư y tế, chia sẽ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của huyện về xem xét có chính sách hỗ trợ tập huấn, đào tạo về chuyên môn y tế cho cơ quan thực hiện tham mưu quản lý nhà nước về y tế ở cấp huyện, cấp cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý về dược, vật tư y tế trên địa bàn ./.

Yến Chi